J2TEAM Security: A must-have extension for Chrome users. Install now!

How To Become A Hacker (Làm sao để trở thành Hacker) - Phần 2

Đây là bản dịch của tài liệu "How To Become A Hacker" (Làm sao để trở thành Hacker) của Eric Steven Raymond. Theo tôi, hacker và hacking không có biên giới
how-to-become-a-hacker-phan-hai
Bài dịch: How To Become A Hacker - 2

Nếu chưa đọc phần 1, bạn có thể đọc tại đây!

Những điểm phong cách

Một lần nữa, để làm một hacker, bạn cần đi vào tâm thức của một hacker. Có một số điều có ích bạn có thể làm ngay cả khi bạn không động đến máy tính. Những điều này không dùng để thay thế cho hacking (chẳng có gì thay thế cho hacking cả) nhưng nhiều hackers làm những điều này và cảm thấy họ kết nối đến cốt lõi của hacking.


- Học cách viết ngôn ngữ mẹ đẻ của mình một cách nhuần nhuyễn. Dẫu thiên hạ thường nghĩ rằng dân lập trình không có khả năng viết lách, nhưng một con số đáng ngạc nhiên các hackers (bao gồm những người đã thành đạt nhất mà tôi biết) lại rất có khả năng viết lách.


- Đọc truyện khoa học giả tưởng. Đi dự các buổi hội thảo về khoa học giả tưởng (một cách rất tốt để gặp gỡ các hackers và hackers cố cựu) -27-.

- Rèn luyện một môn võ thuật. Thứ kỷ luật đòi hỏi cho võ thuật khá tương đồng với những thứ hackers hoạt động. Dạng võ thuật được ưa chuộng nhất của đám hackers có lẽ là Không Thủ Đạo của Á Châu như Tae Kwon Do, các dạng Karate, Kung Fu, Aikido hoặc Ju Jitsu. Các môn kiếm thuật Tây phương và Á Châu cũng có tác dụng tương tự. Ở những nơi cho phép, bắn súng cũng là môn thể thao phổ biến từ những năm cuối thập niên 90. Võ thuật đúng tinh thần hacker là để nhấn mạnh kỷ luật tinh thần, tạo thư giãn và chủ động hơn là để rèn luyện sức mạnh thô hào, thúc đẩy năng lực thể chất cao độ.

- Nghiên cứu một nhánh thiền. Một sinh hoạt được ưa thích một cách bền bỉ trong đám hackers là môn Thiền -28- (một cách nghiêm trọng mà nói, bạn có thể thâu nhận được những điều ích lợi từ Thiền mà không cần phải theo một tôn giáo hoặc từ bỏ một tôn giáo mà bạn đã có). Những môn khác ở dạng tương tự cũng có thể có tác dụng nhưng hãy cẩn thận mà chọn lựa một môn không đòi hỏi bạn tin vào những điều điên khùng.

- Bồi dưỡng cho mình một lỗ tai có khả năng phân tích âm nhạc. Học cách thưởng thức tính đặc thù của âm nhạc. Học cách chơi một nhạc cụ nào đó hoặc học cách hát.

- Bồi dưỡng cho mình khả năng chơi chữ -29- và dùng chữ.

Nếu bạn đã làm những điều trên và càng nhiều, càng chứng tỏ bạn có thiên khiếu của một hacker. Lý do tại sao như vậy thì chưa rõ nhưng điều quan trọng là những việc trên kết nối giữa khả năng thuộc phần trái và phần phải của não bộ. Hackers cần có khả năng lý luận một cách logic và có thể bước ra khỏi một logic mang tính hiển nhiên ngay lúc nhận ra điều này.

Làm việc hết lòng cũng như giải trí và giải trí hết lòng cũng như làm việc. Đối với hackers, biên giới của "chơi", "làm", "khoa học" và "nghệ thuật" có xu hướng biến mất, hoặc gộp lại thành một lối chơi có mức sáng tạo cao độ. Cũng như thế, đừng tự hài lòng với chuỗi kỹ năng hạn hẹp. Dù rằng hầu hết hackers đều tự xếp loại mình là lập trình viên, họ thường có khả năng trong nhiều lãnh vực khác nhau - quản lý hệ thống, thiết kế web, và sửa chữa máy tính thường là những kỹ năng thường gặp.

Một hacker đóng vai trò là một nhân viên quản lý hệ thống thường rất giỏi với kỹ năng lập trình ở dạng script và thiết kế web. Hackers không làm chuyện gì nửa vời cả; nếu họ đầu tư vào một kỹ năng, họ thường có xu hướng trở nên rất xuất sắc với kỹ năng ấy.

Cuối cùng là vài điều không nên làm:

- Đừng dùng một cái tên (nick name) hào nhoáng và vô nghĩa.
- Đừng dính vào những trận khẩu chiến trên Usenet (hoặc bất cứ nơi đâu).
- Đừng tự gọi mình là 'du đãng mạng' -30-, và đừng phí thời gian với những kẻ tự xưng như thế.
- Đừng gởi bài hoặc e-mail đầy những lỗi chính tả và lỗi văn phạm.

Thứ tiếng tăm duy nhất mà bạn tạo ra nếu làm một trong những điều ở trên là tự biến mình thành kẻ bị từ chối. Hackers thường có trí nhớ rất tốt - nó có thể làm bạn mất nhiều năm mới được tiếp nhận trở lại nếu bạn tạo ra những lỗi ngu xuẩn ngay từ đầu.

Trở ngại của nickname đáng được nhắc kỹ hơn. Che dấu danh tánh của mình đằng sau một nickname là trò con nít và có tính đặc thù của những tay crackers, warezd00dz -31- và những dạng rác rưởi khác. Hackers không làm những trò này; họ tự hào với những điều họ làm và muốn nó đi chung với tên thật của họ. Cho nên, nếu bạn có một cái nickname, bỏ nó đi. Văn hoá hacker thực thụ sẽ đánh dấu bạn là một tên thất bại.

glider-hacker-icon

Các nguồn khác

Paul Graham viết một bài tiểu luận có tên Great Hackers và một bài khác là http://www.paulgraham.com/college.html trong đó ông ta nói đến những điều nên làm.

Peter Seebach duy trì một trang The Hacker FAQ dành riêng cho các ngài giám đốc, những người không biết cách ứng phó với hackers ra sao.

Thêm một tài liệu có tên How To Be A Programmer, một tài liệu xuất sắc hỗ trợ cho tài liệu HOWTO này. Nó chẳng những mang giá trị giáo dục về việc gõ code và kỹ năng mà còn chỉ ra cách sinh hoạt trong một nhóm lập trình.

Tôi cũng viết tài liệu A Brief History of Hackerdom

Tôi đã viết một bài giải thích rất nhiều về cách Linux và xã hội open-source làm việc. Tôi cũng khai triển chủ đề này trực tiếp hơn trong phần http://catb.org/~esr/writings/homesteading/.

Rick Moen viết một tài liệu xuất sắc về cách Recipe for a Successful Linux User Group (làm cách nào để điều hành một nhóm người dùng Linux).

Rick Moen và tôi đã phối hợp hình thành một tài liệu khác How To Ask Questions The Smart Way. Tài liệu này sẽ giúp bạn tìm sự giúp đỡ theo theo hướng bạn có thể thực sự có được câu trả lời.

glider-hacker-icon

Các câu hỏi thường gặp:

H: Làm sao tôi biết được tôi có phải là một hacker hay không?
Đ: Tự hỏi ba câu sau:
- Bạn có nói ngôn ngữ code nhuần nhuyễn không?
- Bạn có xác định mục tiêu và giá trị của cộng đồng hacker chưa?
- Đã bao giờ bạn được một thành viên của một cộng đồng hacker đã thành hình và có uy tín gọi bạn là hacker chưa?

Nếu bạn có thể trả lời vâng cho cả ba câu trên, bạn đã là một hacker. Nếu chỉ hai câu cũng chưa đủ.

Trắc nghiệm đầu dành cho kỹ năng của bạn. Có thể bạn đạt được câu này nếu bạn có tối thiểu khả năng kỹ thuật được mô tả ở phần đầu của tài liệu. Bạn sẽ đi xuyên suốt phần thử nghiệm này nếu bạn đã có một khối lượng mã nguồn đã được một công trình mở nguồn nào đó tiếp nhận.

Trắc nghiệm thứ nhì dành cho thái độ. Nếu năm điểm nền tảng tư duy của một hacker có vẻ hiển nhiên đối với bạn, gần với cách bạn đã sống chớ chẳng phải là chuyện gì xa vời thì bạn đã vượt quá nửa chặng đường. Đó là nửa phần hướng nội, phần còn lại, phần hướng ngoại là mức độ bạn được một cộng đồng hacker có những chương trình làm việc lâu dài công nhận.

Đây là danh sách chưa hoàn chỉnh, chỉ mang tính tượng trưng của một số chương trình làm việc: Bạn có quan tâm hay không nếu Linux cải thiện và mở rộng? Bạn có nhiệt thành với tính tự do của software? Bạn có căng thẳng với những biểu hiện độc quyền? Bạn có làm việc dựa trên căn bản máy tính có thể làm công cụ để biến thế giới trở nên một nơi giàu có và nhân bản hơn?

Một điểm cần dè chừng với thứ tự ở đây. Cộng đồng hacker có một số điểm quan tâm mang tính tự vệ trên phương diện chính trị khá cụ thể - hai điểm dùng để tự vệ quyền tự do ngôn luận và tẩy chay sức mạnh "intellectual-property" -32- vì nó có thể biến mã nguồn mở trở thành bất hợp pháp. Một số các chương trình dài hạn gồm có những tổ chức dân chủ như Electronic Frontier Foundation (Tổ chức điện tử tiền phong), và thái độ hướng ngoại hàm chứa việc hỗ trợ chúng. Bên ngoài những chuyện này, quan điểm chung của hầu hết các hackers là thử nghiệm hệ thống hoá thái độ hoài nghi của hacker vào một chương trình cụ thể mang tính chính trị; các thử nghiệm như thế thường bị lạc đề và chia rẽ. Nếu có ai đó mướn bạn tuần hành ở thủ đô của bạn với nhân danh "thái độ hacker" thì họ bị lạc đề rồi. Lời hồi đáp đúng đắn có thể là "Im mồm và phô chúng mã nguồn".

Trắc nghiệm thứ ba có một phần gay go với tính tái diễn trong đó. Trong phần Hacker là gì?, tôi đã nêu ra rằng làm một hacker là một phần thuộc về một thứ văn hoá ngầm nào đó hoặc một mạng lưới xã hội có chung lịch sử, một nội diện và một ngoại diện. Trong quá khứ, hackers kém liên kết và thức tỉnh như ngày nay. Nhưng điểm quan trọng là khía cạnh mạng lưới xã hội đã gia tăng đáng kể sau hơn ba mươi năm và Internet đã tạo ra những kết nối với phần lõi của văn hoá ngầm hacker một cách dễ dàng hơn để phát triển và duy trì. Một trong những biểu thị của sự thay đổi này là, trong thế kỷ này, chúng tôi đã có T-shirts riêng của chúng tôi.

Những chuyên gia xã hội học nghiên cứu các mạng lưới tương tự như mạng lưới của các hackers dưới quy chế ở dạng "trường học vô hình" -33-, đã ghi nhận rằng những mạng lưới như thế thường có các kẻ giữ cổng (gatekeepers) - những thành viên cốt lõi có thẩm quyền xã hội để giới thiệu những thành viên mới vào mạng lưới này. Bởi "trường học vô hình" văn hoá hacker là một thứ văn hoá thư giãn và không nghiêm trọng, vai trò của kẻ giữ cổng cũng không nghiêm trọng. Nhưng một điều các hackers ghi xương khắc cốt rằng không phải hacker nào cũng là kẻ giữ cổng. Kẻ giữ cổng phải có mức già dặn và thành đạt trước khi họ có thể lãnh nhận tước hiệu này. Mức độ bao nhiêu thì khó mà đếm nhưng mọi hacker biết được điều này khi họ nhận thấy như thế.

H: Ông dạy tôi cách hack được không?
Đ: Từ lúc đăng tải trang này lên, tôi nhận được sa số thỉnh cầu mỗi tuần (thường là hàng loạt mỗi ngày) từ mọi người để yêu cầu "dạy tôi hết mọi thứ về hacking". Không may, tôi chẳng có thời gian và năng lực để làm chuyện này; các công trình hack của riêng tôi và làm việc ở vị thế một người vận động cho open-source, chiếm hết 110% thời gian của tôi.

Ngay cả tôi có dạy được đi chăng nữa, hacking là một thứ thái độ và kỹ năng mà bạn phải tự dạy lấy chính mình. Bạn sẽ thấy rằng những hackers thứ thiệt sẵn sàng giúp bạn nhưng họ sẽ không tôn trọng bạn nếu như bạn đòi hỏi họ "đút bé ăn" -34- những thứ họ biết.

Học vài điều trước đã. Cho họ thấy bạn đang cố gắng, bạn có khả năng tự học. Rồi sau đó mới đến gặp hackers với những câu hỏi cụ thể.

Nếu bạn gởi mail đến một hacker để được khuyên nhủ, đây là hai điều bạn cần biết trước. Thứ nhất, chúng tôi thấy rằng những ai lười nhác hoặc vô trách nhiệm với chính những gì họ viết thường lười nhác và vô trách nhiệm trong suy nghĩ của họ để có thể trở thành hacker tốt - bởi thế, nên cẩn thận với từ vựng và dùng văn phạm câu cú cho tốt, nếu không bạn sẽ bị làm ngơ. Điều thứ nhì, đừng có mà dám đòi hỏi hồi âm đến một e-mail khác với e-mail bạn đang dùng để gởi tới; chúng tôi thấy những ai làm chuyện này thường là những kẻ trộm hoặc dùng tài khoản chôm chỉa, và chúng tôi chẳng thích tưởng thưởng hoặc trợ giúp thói ăn cắp.

H: Vậy tôi bắt đầu thế nào đây?
Đ: Cách tốt nhất để bạn bắt đầu là đi đến một cuộc họp của LUG (Linux user group). Bạn có thể tìm thấy các nhóm này ở http://www.tldp.org/links/index.html; hẳn có một nhóm gần bạn, có thể nhóm này có liên hệ với một trường cao đẳng hoặc trường đại học. Các thành viên LUG có lẽ sẽ cho bạn một bản Linux nếu bạn yêu cầu, và chắc chắn sẽ giúp bạn cài đặt và bắt đầu.

H: Khi nào thì tôi bắt đầu được? có quá muộn để tôi học không?
Đ: Bất cứ tuổi nào bạn muốn bắt đầu thì tuổi ấy thì hợp. Hầu hết mọi người thường quan tâm ở lứa 15 - 20, nhưng tôi biết có nhiều trường hợp ngoại lệ cho cả hai phía.

H: Tôi sẽ mất bao lâu để học hack?
Đ: Điều này tùy thuộc ở chỗ bạn tài năng và chịu khó thế nào nữa. Hầu hết mọi người có thể đạt được một mớ kỹ năng đáng nể trong vòng mười tám tháng cho đến hai năm nếu họ chịu khó tập trung. Nhưng đừng nghĩ rằng nó chấm dứt ở đó; nếu bạn là hacker thứ thiệt, bạn sẽ mất suốt đời để học và hoàn thiện thành quả của bạn.

H: Visual Basic có phải là một ngôn ngữ tốt để bắt đầu không?
Đ: Nếu bạn hỏi câu này thì chắc chắn bạn đang nghĩ đến chuyện muốn hack Microsoft Windows. Đây là một ý kiến tồi. Khi tôi so sánh việc học hack trên Windows giống như việc học khiêu vũ như toàn cơ thể bị bó bột, tôi không có ý đùa với so sánh này. Đừng bén mảng đến đó. Nó xấu xí và sẽ không bao giờ ngưng bị xấu xí.

Có một lý do cụ thể về trở ngại của Visual Basic; chủ yếu là nó không chuyển dụng (từ hệ điều hành này sang hệ điều hành khác) được. Dẫu có một bản thử nghiệm nguồn mở ứng dụng Visual Basic, các tiêu chuẩn có thể ứng dụ được từ ECMA không đủ bao trùm một nhúm giao diện lập trình -35- bé nhỏ. Trên Windows, hầu hết các thư viện được hỗ trợ thuộc dạng thương mại có bản quyền của một công ty nào đó cung cấp (như Microsoft); nếu bạn không cực kỳ cẩn thận với những tính năng bạn dùng - dù có cẩn thận hơn bất cứ newbie nào có khả năng cẩn thận - bạn sẽ bị dính chặt vào những hoạt nền chỉ có Microsoft hỗ trợ. Nếu bạn bắt đầu với Unix, có những ngôn ngữ và thư viện tốt hơn rất nhiều. Ví dụ như Python.

Cũng như các dạng Basics khác, Visual Basic là thứ ngôn ngữ được thiết kế một cách nghèo nàn chỉ dạy bạn những thói quen lập trình xấu. Đừng, đừng bắt tôi phải mô tả chi tiết; để giải thích chắc phải đầy một cuốn sách. Thay vì vậy, nên học loại ngôn ngữ được thiết kế đẹp hơn.

Một trong những thói quen xấu là trở nên phụ thuộc vào một nhóm duy nhất cung cấp thư viện, tiện ích và công cụ lập trình. Tổng quát mà nói, bất cứ ngôn ngữ nào không được hỗ trợ đầy đủ trên ít nhất Linux hoặc một dạng BSB khác, hoặc/và ít nhất ba hệ điều hành khác nhau thì đó là một ngôn ngữ quá tệ để học cách hack trên đó.

H: Ông có thể giúp tôi crack một hệ thống hay dạy tôi cách làm không?
Đ: Không. Bất cứ ai vẫn có thể hỏi một câu như thế sau khi đọc cái FAQ này thì kẻ ấy quá ngu độn để có thể được dạy dỗ, ngay cả tôi có thời gian để dạy dỗ. Bất cứ email nào gởi đến để hỏi những câu như thế này tôi sẽ làm ngơ hoặc trả lời với nội dung cực kỳ nặng nề.

H: Làm sao tôi có thể lấy được password của account nào đó?
Đ: Cái này là cracking. Biến đi, đồ ngốc.

H: Làm cách nào tôi có thể xâm nhập, đọc, theo dõi email của ai đó?
Đ: Cái này là cracking. Cút xéo, đồ đần.

H: Làm sao tôi chiếm được quyền admin của một IRC?
Đ: Cái này là cracking. Đi cho khuất mắt, thằng ngu.

H: Tôi bị crack. Ông có thể giúp tôi ngăn chặn không?
Đ: Không. Mỗi khi ai hỏi tôi câu này, hầu như đó là câu hỏi của một kẻ khốn khổ đang dùng Microsoft Windows. Khó có thể bảo mật tuyệt đối Windows để khỏi bị tấn công; mớ mã nguồn và thiết kế có quá nhiều lỗ hổng, điều này khiến cho việc bảo mật Windows giống như thả trôi chiếc thuyền trong vùng bị chắn. Chỉ có một cách duy nhất và đáng tin cậy là bắt đầu chuyển sang Linux hoặc một hệ điều hành nào khác ít nhất được thế kế có khả năng bảo mật.

H: Tôi bị sự cố với các chương trình chạy trên Windows. Ông giúp được không?
Đ: Vâng. Vào khung DOS và gõ "format c:". Bất cứ trở ngại nào bạn đang gặp đều sẽ biến mất trong vài phút.

H: Tôi có thể gặp vài hacker thứ thiệt để trò chuyện?
Đ: Cách tốt nhất là tìm một nhóm người dùng Unix hay Linux ở địa phương của bạn và đến dự các buổi họp mặt của họ (bạn có thể tìm vô số đường dẫn đến các nhóm người dùng trên http://www.tldp.org/ ở ibilio).

(Trước đây tôi thường nói ở đây rằng bạn sẽ không tìm ra một hacker thứ thiệt nào trên IRC, nhưng tôi nhận ra điều này đang thay đổi. Hẳn nhiên đã có một số nhóm hackers thứ thiệt có liên hệ đến GIMP và Perl đang sử dụng một số kênh IRC).

H: Ông có thể giới thiệu một số sách giá trị về những vấn đề liên quan đến hacking không?
Đ: Tôi bảo trì http://en.tldp.org/HOWTO/Reading-List-HOWTO/index.html có thể bạn sẽ thấy hữu dụng. Trang http://www.catb.org/~esr/faqs/loginataka.html cũng có thể lý thú với bạn.

Đối với thông tin nhập môn cho Python, xem tài liệu http://www.python.org/doc/Intros.html ở trang Python.

H: Liệu tôi có cần giỏi toán để trở thành hacker không?
Đ: Không. Hacking dùng rất ít loại toán học hoặc số học thuần túy. Một cách cụ thể hơn, bạn sẽ hiếm khi cần đến các tam giác thức, tích phân hoặc khả năng lý giải toán (có một số ngoại lệ cho một số ứng dụng liên quan đến lãnh vực kỹ thuật ảnh không gian 3 chiều). Nắm được các logic và đại số Boolean thì tốt. Một số toán rời rạc (bao gồm lý thuyết tập hợp hữu hạn, thuật tổng hợp và đồ thị) có thể sẽ hữu dụng.

Điều quan trọng hơn hết: bạn cần có khả năng suy nghĩ một cách logic và khai triển những chuỗi lý lẽ chính xác theo cách toán học. Nội dung toán học sẽ không trực tiếp giúp bạn nhưng bạn sẽ cần kỷ luật và trí tuệ toán học (để ứng dụng trong hacking). Nếu bạn thiếu trí tuệ, bạn sẽ khó hy vọng thành hacker; nếu bạn thiếu kỷ luật, bạn nên bồi dưỡng phần này.

Tôi nghĩ một cách khá hay là tìm thử xem bạn có những đức tính này không là tìm một bản "What Is The Name of This Book" của Raymond Smullyan để đọc. Lối đùa bỡn trong việc giải quyết những logic phức tạp mà Smullyan đã viết rất gần với tinh thần của hacker. Có thể giải quyết trở ngại là việc rất hay; giải quyết chúng một cách thích thú là việc càng hay hơn nữa.


H: Tôi nên học ngôn ngữ nào trước?
Đ: XHTML (dạng mới nhất của HTML) nếu bạn chưa biết. Có rất nhiều cuốn sách về HTML khá hào nhoáng và phô trương và có quá ít cuốn hay. Cuốn tôi thích nhất là http://www.oreilly.com/catalog/html5/.

Tuy nhiên, HTML không phải là một ngôn ngữ lập trình thật thụ. Nếu bạn bắt đầu lập trình, tôi giới thiệu bạn khởi đầu với http://www.python.org/. Bạn sẽ nghe nhiều người giới thiệu Perl và Perl vẫn phổ biến hơn Python nhưng lại học khó hơn và (theo ý kiến cá nhân tôi) thiết kế kém hơn.

C rất quan trọng nhưng khó hơn Python và Perl rất nhiều. Đừng cố học nó trước.

Đối với những người dùng Windows, đừng chấp nhận an thân với Visual Basic. Nó sẽ dạy bạn thói xấu và nó không thể mang ra khỏi Windows. Nên tránh.

H: Tôi cần loại hardware thế nào?
Trước đây máy tính cá nhân khá hạn chế độ mạnh và hạn chế bộ nhớ, chỉ đủ để họ ấn định giới hạn giả tạo cho quá trình học hỏi của hacker. Từ giữa thập niên 90, điều này không còn nữa; bất cứ máy nào từ Intel 486DX50 trở lên đều có đủ độ mạnh để làm lập trình, viết X, và thông tin qua Internet và đĩa có dung tích bé nhất ngày nay cũng đã lớn đủ để dùng.

Điều quan trọng trong việc chọn một cái máy để học là nó phải tương thích với Linux (hoặc với BSD nếu bạn muốn đi theo nhánh này). Với các máy hiện đại gần đây, điều này không là vấn đề. Chỉ có một số khu vực như modems và card mạng không dây; vài máy được trang bị loại hardware chỉ dành riêng cho Windows sẽ không chạy với Linux.

Có một tờ FAQ về vấn đề tương thích hardware; bản mới nhất ở http://en.tldp.org/HOWTO/Hardware-HOWTO/index.html.

H: Tôi muốn đóng góp. Ông có thể giúp tôi chọn một vấn đề nào đó để làm việc với nó không?
Đ: Không, bởi vì tôi không rõ khả năng lẫn những việc bạn thích. Bạn cần phải tự có động lực của chính bản thân không thì bạn sẽ không bền, đây là lý do tại sao bạn được ai đó chọn hướng đi cho bạn thì kết quả chẳng đi tới đâu là vậy.

Thử cái này xem. Theo dõi một công trình vừa được công bố trên http://freshmeat.net/ vài ngày. Khi bạn thấy cái nào làm bạn nghĩ "Quá đã! tôi muốn làm việc với nó!" thì tham gia.

H: Tôi có cần phải ghét và 'nện' Microsoft không?
Đ: Không, bạn không cần. Không phải do Microsoft không tởm nhưng một thời gian dài trước khi có Microsoft thì đã có xã hội hacker và vẫn sẽ có xã hội này tồn tại lâu dài sau khi Microsoft chỉ có trong lịch sử. Năng lực bạn có để ghét Microsoft nên dùng cho sản phẩm trí tuệ của chính bạn. Viết code giá trị - điều này sẽ đủ 'nện' Microsoft mà không cần ô nhiễm cái karma của bạn.

H: Nhưng không phải open-source sẽ khiến cho lập trình viên thất nghiệp sao?
Đ: Điều này có vẻ không phải như vậy - cho đến nay, kỹ nghệ software mở nguồn dường như tạo công việc hơn là triệt giảm công việc. Nếu viết được một chương trình có hiệu quả kinh tế hơn là không viết gì cả, một lập trình viên sẽ có thu nhập bất kể chương trình này sẽ là open-source hay không sau khi nó đã hoàn thành. Và, bất kể có bao nhiêu software "miễn phí" được viết nên, lúc nào cũng có nhiều nhu cầu cho những ứng dụng mới và chuyên biệt. Tôi có viết cụ thể hơn về vấn đề này ở trang http://www.opensource.org/.

H: Tôi có thể lấy một bản Unix miễn phí ở đâu?
Đ: Nếu bạn chưa cài một bản Unix trên máy, trong bài này tôi đã cung cấp những nơi để lấy những bản Unix miễn phí thông dụng nhất. Để trở thành hacker, bạn cần động lực và khởi điểm và khả năng tự giáo dục mình. Bắt đầu đi...

conmale dịch và chú thích từ nguyên bản "How To Become A Hacker" - 14/9/2006


Chú thích:
-27-: Đây là một chi tiết sinh hoạt khá bình thường ở các nước Âu Mỹ nhưng điều này khó có thể thực hiện được ở bối cảnh của VN hiện nay.

-28-: Zen có nghĩa là Thiền (禅). Xin trích một câu 'định nghĩa' trong cuốn "AN INTRODUCTION TO ZEN BUDDHISM" của Dr. Daisetz Suzuki: "The discipline of Zen consists in opening the mental eye in order to look into the very reason of existence" (tiêu chí của Thiền hàm chứa nhãn quan trí tuệ để có thể nhìn thấu vào tận cùng lý do của sự hiện hữu).

-29-: Nguyên bản "puns". Tạm dịch là "chơi chữ". Pun là lối dùng từ ngộ nghĩnh và hàm ý. Nhiều nghiên cứu tâm lý học và xã hội học cho rằng, những người có khả năng chơi chữ là những người thường có IQ (Intelligent Quotient) (độ đo trí thông minh) cao.

-30-: Nguyên bản "cyberpunk". Tạm dịch là "du đãng mạng". Đây là một từ mới chỉ xuất hiện những năm gần đây (từ khi Internet bùng nổ). Từ "punk" đứng riêng lẻ chỉ cho một cá nhân còn nhỏ tuổi nhưng thuộc dạng "nóng máu", ưa gây gỗ, thích khiêu khích, dễ dính vào những đụng chạm mang tính bạo động. Từ "cyberpunk" được những tay "anh chị" trên mạng thích dùng. Nó ám chỉ sự kiêu hãnh của một kẻ đã từng trải và lăn lộn trên mạng.

-31-: Từ warezd00dz và những từ ở dạng biến chữ O thành zero (0) và ngược lại rất đặc thù với văn hoá "mạng". Những từ có tính chất được tạo ra từ việc xen kẽ giữa số và chữ, xen kẽ giữa chữ bình thường và chữ IN, lồng từ tượng thanh, từ mang tính cảm thán để tạo từ mới đã trở nên rất phổ biến gần đây. Tác giả tỏ vẻ khá ác cảm với loại văn hoá này.

-32-: "Intellectual property", một cụm từ được dùng phổ biến trong ngành công nghệ thông tin. Cụm từ này có nghĩa tương tự cho tiếng Việt là "tài sản trí tuệ". Nó được dùng để bảo vệ chủ quyền của một sản phẩm (thường là software hoặc một sáng kiến nào đó). Trong đoạn trên, quan điểm bài trừ vấn đề bảo tồn sức mạnh của các tập đoàn thương mại trong ngành công nghệ thông tin của tác giả thể hiện khá rõ.

-33-: Nguyên bản "invisble colleges". Tạm dịch là "trường học vô hình". Đây là một từ đậm tính ẩn dụ. "Trường học vô hình" ở đây có nghĩa là cái "ải", một "cơ cấu" mang tính tính kiểm soát và có quy định cụ thể nhưng nó ở dạng "vô hình", mọi người ngầm hiểu và ngầm chấp thuận những quy định đã có.

-34-: Nguyên bản "spoon-fed". Tạm dịch thoát là "đút bé ăn". Từ này chỉ cho hình tượng một người (thường là em bé) không có khả năng tự sử dụng muỗng mà phải cậy vào người khác đút cho ăn. Nó ám chỉ tính thiếu năng lực và cố gắng tự vươn lên của một cá nhân.

-35-: Nguyên bản "programming interface". Tạm dịch là "giao diện lập trình". Một ngôn ngữ lập trình thường có bộ thư viện ứng dụng cho phép lập trình viên thừa hưởng và sử dụng những gì có sẵn. Phương tiện để tiếp cận và sử dụng bộ thư viện này tạm gọi là "giao diện". Có lẽ cụm "điểm giao tiếp" chính xác hơn nhưng dài dòng hơn nên tạm dùng "giao diện".

Nguồn: HVA

Đọc lại phần một tại đây! 
Leader at J2TEAM. Website: https://j2team.dev/

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

- Bạn có gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới.

- Hãy viết tiếng Việt có dấu nếu có thể!